Phát triển golf – Bài học từ nước bạn
Trước thực tế phát triển golf ở Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan, Việt Nam sẽ học được gì trên lộ trình xã hội hóa môn chơi này?

MỸ THIÊN ĐƯỜNG CỦA GOLF



Không thể phủ nhận, Mỹ, nơi diễn ra các giải majors nam và nữ chính là quốc gia có nền golf phát triển nhất thế giới. Các golfer của Mỹ luôn chiếm phần lớn các bảng xếp hạng thế giới. Những con số thống kê của statista.com, trang web thực hiện dịch vụ thống kê trên internet có trụ sở ở Hamburg, Đức, cũng chỉ ra rằng, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về số golfer, số sân golf, và các chỉ số về kinh tế của nền công nghiệp golf. Nền thể thao Mỹ nói chung và golf nói riêng được tạo dựng dựa trên nền tảng thể thao học đường và xã hội hóa. Ở đó, các công dân Mỹ được tiếp cận với bộ môn thể thao này từ rất sớm miễn rằng có niềm đam mê và tài năng, họ sẽ có đủ mọi điều kiện để tiến tới thi đấu đỉnh cao. Chính điều đó tạo ra một sức bật cho bộ môn golf và biến Mỹ trở thành cường quốc số một thế giới về golf như hiện nay.

SỨC MẠNH HÀN QUỐC



Trong khi đó, cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc được xem như cường quốc golf Châu Á. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất đã từng có một golfer nam thắng một giải majors (Yang Yong Eun, PGA Championship, 2009). Ngoài việc có nhiều các golfer Hàn Quốc tranh tài tại các giải đấu của PGA và LPGA tour, nhìn vào bảng xếp hạng các tay golf nữ trên thế giới hiện nay (cập nhật ngày 15/01/2018), Hàn Quốc góp 4 cái tên trong top 10 golfer nữ hàng đầu. Nếu mở rộng ra ở top 20, thì con số của golfer nữ Hàn Quốc là 10 người, và có 22 cái tên Hàn đứng trong top 50 golfer nữ của danh sách Official Rolex Ranking. Nếu xét riêng golf nữ, Hàn Quốc thực sự là đối thủ với phần còn lại của thế giới. Hàn Quốc đã phải mất nhiều năm để đạt được thành công trong việc khuyến khích những tài năng golf của mình theo đuổi đam mê bằng sứ mệnh giới thiệu hình ảnh Đại Hàn Dân Quốc qua bộ môn thể thao này.

THÁI LAN MỘT THẾ LỰC ĐANG LÊN



Gần Việt Nam, Thái Lan có một nền tảng phát triển mạnh mẽ cho nền công nghiệp golf. Thái Lan được xem là một điểm đến nổi bật cho bộ môn này và đóng góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng một đất nước du lịch như Thái Lan. Chưa nổi trội như Hàn Quốc trên bản đồ golf thế giới, nền công nghiệp golf của Thái Lan hướng đến việc tạo dựng một quốc gia du lịch golf. Nổi bật nhất cho sự thành công của nền golf Thái Lan chính là dấu ấn của hai chị em nhà Jutanugarn (Ariya và Moriya; đứng hạng 8 và 22). Câu chuyện cổ tích nền golf Thái Lan đến từ chiến thắng majors đầu tiên của Ariya – một nữ golfer người Đông Nam Á (giải Women British Open năm 2016) , sau đó cô ghi tên mình ở vị trí số 1 thế giới vào tháng 6/2016. Chính những thành công của hai chị em nhà Jutanugarn, cộng với những tay golf người Thái cự phách đã có tên trên bản đồ golf thế giới từ lâu nay như Thongchai Jaidee, Kiradech Aphibarnrat đã phần nào tạo nên chất lượng của nền golf Thái Lan. Thái Lan thể hiện một bộ mặt tiến bộ vượt bậc trong nền golf Châu Á.

VIỆT NAM TÌNH HÌNH THỰC TẾ



Năm 2017, Việt Nam được bầu chọn là điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Công bằng mà nói, nền công nghiệp golf của Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn sơ khởi. Hệ thống sân golf còn hạn chế và quan trọng hơn là mức độ phổ biến còn thấp so với các môn thể thao khác. Mức độ phát triển của các ngành phụ trợ khác cũng chưa phải là một lợi thế để biến Việt Nam thành một cường quốc của bộ môn này. Việt Nam cũng chưa có những golfer tên tuổi đủ để tạo thành một hình tượng quốc gia cho bộ môn này. Nên hiện nay, xét về trình độ, sự góp mặt của các golfer Việt ở những giải đấu quốc tế mang đậm tính giao lưu và học hỏi.

Thực tế cho thấy rằng, lựa chọn luyện tập và thi đấu golf chuyên nghiệp vẫn còn là một con đường mới mẻ tại Việt Nam. Học tập và theo đuổi một mô hình của các quốc gia tiên tiến là một hướng đi dễ tiến tới đích đối với thể thao chuyên nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi tại thời điểm này, không phải là chuyện học hỏi theo mô hình nào, mà phần nhiều liên quan đến định hướng cá nhân và gia đình của các golfer trẻ.

=> CHỜ ĐỊNH HƯỚNG CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ

Việc học hỏi theo mô hình của các quốc gia nói trên đòi hỏi một sự đầu tư bài bản, dựa trên chiến lược quốc gia mà ở đó cần sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp và sự phấn đấu quyết liệt của các golfer theo đuổi định hướng chuyên nghiệp. Trong đó, ở khía cạnh quản lý thể thao, Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA) sẽ là người lựa chọn mô hình phát triển bằng cách nghiên cứu những tính năng ưu việt và kinh nghiệm phát triển golf của nước bạn.

Giấc mơ về một nền thể thao golf chuyên nghiệp ở Việt Nam dường như đang chập chững những bước khởi động với VPGA Tour và sẽ cần thêm thời gian thử thách để đánh giá lại năng lực. Trong lúc chưa tìm ra câu trả lời thì các cá nhân và gia đình có con chơi golf vẫn sẽ phải tự thân vận động.

Nguồn : vietnamgolfmagazine.net

VIETGOLFMOS