Vietgolfmos.ru – Chào mừng các bạn đến với câu lạc bộ golf của người Việt tại Matxcova!

Tản mạn về Golf - Golf có phải môn thể thao quý tộc?

Quay lại Bản in Yahoo
Cỡ chữ
Ngay từ khi vào Việt Nam, golf đã được gán cho cái tên “thể thao của giới quý tộc”. Câu nói này có lẽ sẽ nhận được sự đồng tình của rất nhiều người bởi rất nhiều lý do.



GOLF Ở VIỆT NAM

Câu chuyện chơi golf gắn liền với giới quý tộc tại Việt Nam thật sự dễ được giải thích. Năm 1922, sân golf đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại Thành phố Đà Lạt, chủ yếu phục vụ cho vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến tại Việt Nam (kết thúc năm 1945). Đà Lạt được xem là điểm đến nghỉ mát ưa thích của vị vua này cùng hoàng tộc. Sân golf Đà Lạt, hay còn được biết đến với cái tên “Đồi Cù” thật sự gắn liền với những golfer quý tộc đúng như nghĩa đen của từ.

Trải qua một thời gian dài, bộ môn golf của Việt Nam bị bỏ phí vì chiến tranh và vì thời cuộc chưa cho phép, đến tận những năm 1990, các sân golf mới lần lượt xuất hiện tại Việt Nam. Mặc dù không có bất cứ chính sử nào để ghi chép về việc này, nhưng có thể lý giải cho việc xuất hiện golf trở lại Việt Nam giai đoạn này chính từ hai con đường: ngoại giao và doanh nhân.

Các nhà ngoại giao nước ngoài khi đến làm việc tại Việt Nam có nhu cầu muốn chơi golf vì đây là một môn thể thao phổ biến từ đất nước họ. Đồng thời, các nhà ngoại giao Việt Nam cũng tham gia tập luyện và chơi golf vì lý do có thêm không gian phục vụ cho công việc của mình. Tương tự như vậy, golf đến với Việt Nam cũng từ một số thành phần những người có cơ hội đi học tập và làm việc tại nước ngoài. Họ được tiếp cận và tìm hiểu golf, khi về Việt Nam, họ đem theo cả nhu cầu chơi golf về nước.

Thế nên, nếu như nói golf tại Việt Nam có gì đó “quý tộc” thì nó đồng nghĩa với sự cao quý, giàu có. Quý tộc ở đây không còn bao hàm ý nghĩa nguyên bản của nó là dòng máu của những người quyền quý hoàng gia. Qua thời gian, đặc biệt là thời gian đầu, những người có điều kiện chơi golf tại Việt Nam thật sự phải là những người giàu có (và thường đi kèm với địa vị xã hội), nên điều này vô hình chung đã khiến golf được gắn mác quý tộc.

ÚC – QUỐC GIA GOLF RẤT BÌNH DÂN

Người viết xin kể một câu chuyện để xem golf được đánh giá như thế nào tại Úc.

Tôi đến Úc vào năm 2015 để theo học Thạc sĩ tại Tiểu bang New South Wales, tôi đi tàu điện hơn 2 tiếng đồng hồ đến nhà ga Leura, một thị trấn nằm ở khu trung tâm Blue Mountains City, một địa phương du lịch nổi tiếng nằm ở phía Tây của Tiểu bang. 

Tôi mang theo bộ gậy golf của mình và gọi một chiếc taxi để đi đến trường, nơi mà tôi sẽ được 
gia đình host (chủ của một gia đình cho các sinh viên ở tại nhà theo dạng giao lưu, học hỏi văn hóa, ngôn ngữ) đón về nhà để ở trong 3 tháng đầu tiên học tập tại đây. Một người tài xế taxi khoảng 60 tuổi chở tôi trên chiếc xe Toyota Camry đời 2013. Ông mở miệng làm quen: “Anh định đi chơi golf à?”

– Không, tôi mang theo bộ gậy của mình để khi ở đây có thời gian sẽ chơi vài vòng. – Tôi trả lời.

– Tôi cũng thích golf lắm, tuần nào tôi cũng chơi 2-3 vòng, tùy vào bận hay không. – Người tài xế tiếp lời.

Sau đó, trong khoảng 15 phút trên taxi về trường, tôi và người tài xế có một cuộc trò chuyện vui vẻ về golf. Điều này có thể sẽ hiếm khi (thậm chí là không có) xảy ra tại Việt Nam, nơi mà chi phí chơi golf là cao so với mặt bằng thu nhập của người dân (Hơn 2.400$/người/năm – theo số liệu của ngân hàng thế giới) thì việc một người lái taxi chơi golf nghe có vẻ xa vời.

Trái lại, ở Úc, nơi mà thu nhập bình quân là 54.000 $/người/năm, đồng thời chi phí chơi golf ở các sân golf public (sân công cộng hoặc sân không phải của tư nhân được chính quyền địa phương quản lý), người chơi tự kéo gậy và tự phục vụ là khá rẻ (so với Việt Nam và so với thu nhập đầu người của 2 quốc gia). Ở khu vực tôi nhắc đến, có các sân đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp mà chi phí chỉ là xấp xỉ 550$ – 800$ (đô la Úc) cho thẻ member 1 năm và chơi golf miễn phí không hạn chế số lần. Để so sánh với chi phí chơi golf tại Việt Nam có lẽ quá cách biệt, khi ai cũng biết rằng một vòng golf tại Việt Nam, nếu bao gồm các chi phí đi lại, tip caddy và các vật dụng để chơi cũng tương đương 1.500.000 đồng/lần (thậm chí cao hơn đối với các sân miền Trung, miền Bắc). Đó cũng là lý do mà có lẽ ở Úc, golf là một môn thể thao rất bình thường, và không có sự khác biệt để được xem là quý tộc hay không so với các môn thể thao khác.

QUÝ TỘC HAY KHÔNG?

Nếu chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam thì câu trả lời sẽ là: Có và Không. Golf thật sự là một môn thể thao cần phải tiêu tốn một số tiền không nhỏ khi đặt lên bàn cân với các bộ môn thể thao khác. Tuy nhiên, quan niệm golf giành cho quý tộc theo tôi thật sự lỗi thời khi thời gian gần đây bộ môn này đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Có vì golf là một bộ môn thể thao của sự thanh lịch. Golf đòi hỏi một nguyên tắc ứng xử phức tạp và văn minh. Những phẩm chất mà người chơi golf cần có cũng là những phẩm chất mà chúng ta hướng đến của sự phát triển về văn hóa ở tầm cao. Đó là điều tích cực, ở đó, tính “quý tộc” được thừa nhận.

Và không. Ngược lại, golf không phải là môn thể thao thần thánh. Golf có đầy đủ cung bậc cảm xúc, đầy đủ sự gai góc và thử thách cho người chơi. Ở đây, golf lại là một môn thể thao rất bình thường, đời hơn và khó lường. Và theo thời gian, golf sẽ được phổ biến rộng và sâu hơn ở Việt Nam, lúc đó chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thấy rằng hãy “bình dân” golf, chúng ta sẽ có thêm những người chơi mới, và số người yêu thích bộ môn này sẽ nhiều hơn. Như vậy, làng golf Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn.

VIETGOLFMOS

vietnamgolfmagazine.net


Cập nhật: 24/04/2019
Lượt xem: 937
Lên trên
Copyright © 2013 VietGolfMos.ru

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ CÂU LẠC BỘ GOLF CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI MATXCOVA - VIETGOLFMOS.RU
Địa chỉ: Метро Белорусская, ул.Грузинский переулок, дом 3, подъезд 2, офис 71-72
Điện thoại: +7(909) 911 68 68/ Email: vietgolfmos@mail.ru